Thị trường rất nhiều lời chào mời quảng cáo bán tổ yến huyết với những mức giá cao, thấp khác nhau nhưng đa phần là hàng “lên đời”.
Bởi yến huyết thực rất hiếm có, chúng hình thành tại những khu vực vỉa đá, trong hang động hoặc ngoài vách núi trên đảo.
Loạn giá yến huyết
Yến huyết xuất hiện ở những nơi vách đá nên có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều so với yến nuôi thông thường. Những khoáng chất đó ngấm vào tổ yến, màu đỏ nên gọi là huyết. Giá thành loại này rất cao vì hiếm, thực chất phải có giá 28 triệu đồng/100gram. Nhưng thị trường quảng cáo vô số loại yến huyết giá cả khác nhau nên giới chuyên môn cho đó là yến huyết giả.
Lâu nay thị trường yến được xem là “vàng thau lẫn lộn”, giá cả loạn như ma trận. Bán tổ yến được xem là siêu lợi nhuận nên chúng có mặt ở khắp thành phố lớn đến làng quê.
Tại TPHCM, các cửa hàng tổ yến với mức giá chênh lệch vô kể. Cửa hàng tên tuổi thì bán yến huyết từ 15-20 triệu/lạng; yến trắng thường thì từ 3.5-5 triệu/lạng. Nhiều cửa hàng chỉ bán với giá 7.5 triệu đồng/lạng khi trộn yến huyết và yến trắng. Người bán luôn khẳng định “bao giả, bao nở” và cho rằng mình là tốt nhất, còn nơi nào rẻ hơn là hàng ẩm, nặng ký và không có độ nở.
Đến khu chợ Bình Tây (TPHCM), vô số các loại tổ yến bày bán với giá khác nhau. Có sạp giao bán 3 triệu đồng 1 lạng yến huyết,, có sạp bán giá 3.5 triệu đồng. Yến trắng thường thì chỉ 1.8-2.8 triệu đồng/lạng.
Nhiều người thắc mắc giá chênh lệch thì được tiểu thương giải thích “hàng nguyên có giá cao, còn hàng vụn thì giá thấp”.
Còn các cửa hàng thì họ giải thích sở dĩ giá yến cao hay thấp là do tổ to hoặc tổ nhỏ. Tổ to là của yến khỏe mạnh, dinh dưỡng cao nên giá đắt, còn tổ nhỏ là của yến yếu, suy dinh dưỡng nên dinh dưỡng cũng… yếu.
Ngoài ra, màu sắc tổ yến cam, hồng, đỏ được những người bán giải thích rằng đó là phụ thuộc mùa. Như tổ yến làm vào tháng 3, màu sắc cam hoặc hồng, tháng 8 thì màu đỏ.
Màu yến do kỹ thuật
Sở dĩ màu tổ yến khác nhau thì những người trong nghề cho biết đó là do kỹ thuật nuôi. như nhà nuôi yến dùng gỗ bạch tùng thì cho màu cam, vàng và hồng. Còn những tổ yến ở khu vực có đinh đóng bị gỉ sét nhiễm vào tổ yến cho ra màu đỏ. Không những thế, những nhà nuôi yến có độ ẩm cao, nhà quá kín, tồn nhiều phân chim cũng bị nhiễm màu. Khi mang đi kiểm nghiệm tổ yến sẽ cho hàm lượng nitrit vượt ngưỡng cho phép trong thực phẩm.
Lợi dụng yếu tố kỹ thuật đó, nhiều nhà nuôi cố tình tạo khu bị nhiễm màu đỏ cho tổ để bán giá cao. Nhiều hộ nuôi còn lợi dụng dùng phân chim pha nước quét đều chân tổ. Sau 3 tháng, tổ đó sẽ cho màu đỏ như yến huyết thật.
Không những thế, nhiều người kinh doanh còn sử dụng tiểu xảo đơn giản là dùng phân chim yến hòa nước, cho vào thùng xốp, đặt trên đó cải vỉ rồi xếp tổ yến vào, đậy kín lại chừng 3-4 tháng, những tổ yến sẽ chuyển sang màu đỏ.
Nhiều người còn dùng phẩm màu phun lên tổ cho màu đỏ nhưng ít vì dễ bị phát hiện khi nấu. Ngoài ra còn có hàng nhập Malaysia rẻ hơn hàng nội địa khá nhiều.
Người thường khó phân biệt
Với những tiểu xảo tinh vi của những người nuôi và bán yến nên với người trong nghề còn khó để phân biệt thì người thường đi mua yến cũng thật khó phân biệt thật – giả. Do vậy, chỉ còn cách đặt niềm tìn vào thương hiệu cung cấp với những giấy chứng nhận và kiểm nghiệm sản phẩm đủ tiêu chuẩn để tránh được hàng giả.