Cây lúa nước ta là nông sản có tiếng tăm trên thị trường xuất khẩu thế giới. Thế nhưng người nông dân vẫn mãi nghèo khó trên chính ruộng đồng, đất đai của mình. Đã kinh qua gần 30 năm trên thị trường quốc tế nhưng trên những mảnh ruộng, người nông dân vẫn đang loay hoay và cuộc sống của họ vẫn chẳng bớt cơ cực.
Mãi không thoát kiếp nghèo
Theo vị chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định rằng nền nông nghiệp nước ta “có tiếng nhưng chẳng có miếng”. Mỗi người một phách, làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, chỉ lo mở rộng diện tích, không quan tâm đến chất lượng. Nông dân mãi nghèo bởi họ không có công nghệ trong sản xuất, nước ta chỉ chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô nên giá trị không cao. Một vòng tròn luẩn quẩn luôn “ám” lấy nông dân đó là làm việc cật lực, mong nhanh chóng đến ngày thu hoạch để bán lấy tiền, số tiền ấy được “rải” cho các đại lý phân bón, đại lý thuốc trừ sâu…
Phong trào đảm bảo an ninh lương thực thắt chặt gây “nghẹt thở” cho người dân. Ở một nước mà đo lượng lúa, diện tích lúa cho việc thăng quan tiến chức của lãnh xã, huyện, tỉnh… Do vậy, dù gạo đã xuất khẩu nhưng vẫn không ngừng đẩy mạnh trồng. Có những thời điểm, những địa phương tại Đồng bằng Sông Cửu Long, hạn mặn xâm nhập nhưng vẫn loay hoay quanh cây lúa. Người dân cơ cực mà vẫn phải làm.
GS Võ Tòng Xuân cho hay, chúng ta cần phải linh động chuyển đổi, với 3.8 triệu ha lúa như hiện nay cần được phân loại, chỉ giữ những vùng có điều kiện thuận lợi cho cây láu phát triển, còn lại có thể chuyển dịch đa dạng cơ cấu cây trồng phù hợp, cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cây lúa.
Cùng quan điểm, TS Đặng Quang Vinh, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW cũng nhận định việc giữ 3.8 triệu ha đất trồng lúa là cứng nhắc, không có hành động chi tiết, cụ thể cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng. So sánh về thu nhập hộ trồng láu chỉ đạt 1.567.000đ/người/năm, thấp hơn tất cả các ngành nghề khác.
Loay hoay trong thực tế
Theo một vị giáo sư tại Viện khoa học Nông nghiệp cho hay, việc tái cơ cấu cũng không hề đơn giản. ĐBSCL, vựa lúa lớn của cả nước, khi không trồng lúa thì sẽ trồng cây gì? Việc tái cơ cấu với 80 nghìn ha lúa không đảm bảo năng suất và sản lượng cũng được vạch ra nhưng việc thực hiện vẫn đang loay hoay.
Bởi thay thế bằng cây ngô thì người dân cũng chẳng hài lòng, giá thành đầu vào tương đối cao, giá bán ra lại thấp. Còn thay đậu tương thì Đồng Tháp là tỉnh có sản lượng lớn nhất với diện tích 8.000ha, nay cũng đang sụt giảm bởi chi phí nhiều nên lãi chẳng được bao nhiêu, vị giáo sư này cho hay.
Vấn đề mấu chốt ở việc lúa là cây chủ lực nhưng chúng ta đang dành quá ít công nghệ vào cho cây lúa nên sản phẩm xuất thô, giá trị thấp, không có thương hiệu.
Nhiều đơn vị xuất khẩu gạo cũng cho rằng chúng ta không có công nghệ nên chúng ta sản xuất những sản phẩm thị trường không cần. Những sản phẩm họ cần, chúng ta lại không có. Nhiều sản phẩm lúa gạo trên thị trường thế giới vẫn khan hiếm nhưng nước ta hoàn toàn không đáp ứng.
Không những thế, chúng ta còn bị mất thương hiệu hoặc “núp” dưới danh nghĩa thương hiệu khác. Trung Quốc là nước nhập khẩu tương đối lớn gạo của Việt Nam nhưng khi vào đây, đa phần người tiêu dùng chỉ biết gạo Thái, gạo Nhật, gạo Việt ở đâu hoàn toàn vắng bóng.