Cách đây chừng 1 tuần chúng tôi có thông tin về sự việc cau non đột ngột tăng giá tại vùng Quảng Ngãi do Trung Quốc thu mua số lượng lớn, người dân bán được giá cao. Thế nhưng vào thời điểm này, phía Trung Quốc bất ngờ hạ giá rồi ngừng mua cau non khiến thương lái rơi vào cảnh điêu đứng.
Là những người đi thu mua của dân, mấy ngày trước thu mua giá cao từ dân do phía Trung Quốc thu mua giá cao. Nhưng giờ đây, thương lái là người mắc kẹt ở giữa khi thu mua giá của dân cao chót vót nhưng hàng chưa kịp bán đi hết thì phía Trung Quốc ngưng mua. Hàng cau non tồn đọng thương lái chẳng biết làm gì, bán cho ai, ước tính thiệt hại cả tỷ đồng.
Bà N, chủ một cơ sở chuyên thu mua và chế biến cau non tại khu vực huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ trong nước mắt, chuyến hàng vừa rồi nhà bà chuyển sang, tổng hơn 3 tấn cau chỉ được trả giá 17.000đ mỗi kg. Giá đó thấp hơn giá lúc bà mua đợt cao điểm cả chục nghìn đồng. Như thế đã lỗ nặng lắm rồi mà phía Trung Quốc lại còn trả về không thu mua gần 1 tấn cau. Tính ra giá đã thấp, lại công vận chuyển đi, vận chuyển về, gia đình bà lỗ cả trăm triệu đồng.
Trước đó, vào đợt cau tăng giá cao kỷ lục, thương lái đi khắp các vùng miền, cả vùng núi sâu xa để lùng thu mua cau non giá cao.
Giờ đây, phía thị trường Trung Quốc trở mặt đã khiến hàng loạt thương lái lâm vào cảnh liêu xiêu. Các cơ sở thu mua, chế biến cau non khắp vùng của tỉnh Quảng Ngãi đã bị thiệt hại nặng nề, có cơ sở mất vài chục triệu, có cơ sở mất cả trăm triệu. Ông Q (một chủ cơ sở cau ở Tây Sơn) giờ giải nghệ cho hay: Thị trường cau non ngoài sự thất thường từ phía Trung Quốc, việc bất ngờ ngừng thu mua lần này cũng có lỗi xuất phát phần nào từ phía của thương lái ở địa phương”.
Bởi theo ông, mới vào đầu vụ cau trong năm nay, phía Trung Quốc thu mua ồ ạt, bất kể non hay hơi già cũng không chê và họ cần số lượng lớn lên đẩy giá liên tục. Phía Việt Nam thì nhiều người cùng thu mua nhưng cạnh tranh không lành mạnh, không phân chia được vùng lãnh thổ mà tự phát, tranh nhau nên tự ý đẩy giá để cạnh tranh nhau có được nguồn hàng ở địa phương nên giá cau tăng cao chót vót. Nhiều thời điểm giá thu mua cau tại vườn lên tới gần 30.000đ mỗi kg, mức giá này cao hơn nhiều khu vực tới 5.000đ.
Riêng với giá chênh lệch đó đã khiến thương lái bị giảm bớt phần lãi lời. Và đến khi phía Trung Quốc trở mặt, không thu mua thì thương lái chính là những người phải chịu thiệt hại nặng nề đầu tiên do chính mình đẩy giá cau lên cao. Càng thương lái buôn to càng lỗ nặng, thiệt hại vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Nhiều mặt hàng nông sản nước ta có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Và thời gian qua đã có không ít những bài học về giải cứu đã cho thấy sự thất thường và bấp bênh từ phía thị trường này. Người thiệt hại đến từ cả hai phía nông dân và thương lái.