Dư địa phát triển ngành gỗ còn tiềm năng lớn nhưng giải pháp phát triển cần đồng bộ nhiều yếu tố. Trong đó phải kể đến những chính sách hỗ trợ vốn đầu tư của Nhà nước nhằm chuyển đổi công nghệ, nâng cao tay nghề nhân lực cũng như bổ sung nguồn nguyên liệu rừng…
Con số tăng trưởng khả quan
Ghi nhận sự phát triển 10 năm qua của ngành gỗ tăng trưởng khả quan với 2 con số. Năm 2021 do tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành gỗ đã đạt mức tăng trưởng cao hơn năm trước 20%, lên 15.8 tỷ USD. Dù vậy để vươn đến mục tiêu 25 tỷ USD xuất khẩu vào 2030 cũng cần có những chính sách và cơ chế tạo thuận lợi để ngành gỗ thích ứng và phát triển.
Nhận định của các chuyên gia cho thấy hiện liên kết doanh nghiệp cùng ngành cũng như năng lực và chất lượng của doanh nghiệp nhỏ chưa được kiểm soát hiệu quả. Những chi phí nhập khẩu và xuất khẩu đã đẩy giá thành tăng cao hơn và làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiện, diện tích trồng rừng trong nước đạt chứng chỉ còn thấp, nguyên liệu mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất. Do vậy cần đẩy mạnh diện tích rừng để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Trong khi đó nguồn cung nguyên liệu gỗ hợp pháp từ nước ngoài tiềm ẩn rủi ro do khó kiểm soát.
Trước thực trạng hạn chế này, doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị Nhà nước có những hỗ trợ trong nguồn vốn để phát triển sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực nhân sự và nguyên liệu rừng.
Phía chuyên gia, ông Trần Đình Thiên – Tổ tư vấn Chính phủ nhận định công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ còn hạn chế, mẫu mã ít, chính sách khuyến khích chưa nhiều để tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.
Đầu tư cho ngành gỗ chưa nhiều, Chính phủ quan tâm hơn sẽ thúc đẩy ngành phát triển tốt hơn. Trình độ nhân lực còn yếu, công nghiệp hỗ trợ còn thấp. Do đó cần cơ chế chính sách phù hợp đẻ khuyến khích ngành phát triển trong tình hình mới.
Những giải pháp phát triển
Ông Nguyễn Văn Diện, Tổng Cục Lâm nghiệp thì nhận định ngành gỗ và nội thất có những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên thực tế còn những hạn chế tồn tại cần khắc phục. Tổng số hơn nửa triệu lao động làm việc trong ngành, chỉ hơn nửa là 55% lành nghề. Số còn lại là lao động phổ thông chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản.
Chất lượng nguyên liệu cũng chưa đạt tiêu chuẩn trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ lực như EU, Mỹ, Nhật… ngày càng khắt khe hơn trong kiểm soát nguồn gốc xuất xứ.
Tăng trưởng nhanh cũng là vấn đề doanh nghiệp đối mặt với sức ép trong cạnh tranh, gian lận thương mại… dễ xảy ra tình trạng phải áp dụng phòng vệ thương mại.
Do vậy để ngành gỗ phát triển cần có sự đồng bộ trong các giải pháp cơ chế, chính sách, vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bắt đầu với việc nâng chất lượng nguyên liệu để tạo ra nguồn gỗ chất lượng đạt chứng nhận; nâng cao công nghệ tự động hóa trong chế biến gỗ và phụ trợ nhằm đạt hiệu suất nguyên liệu.
Cùng với đó cần có chiến lược trong đào tạo đội ngũ nhân lực dài hạn, đảm bảo trình độ và năng suất trong chế biến gỗ và sản phẩm nội thất.
Phía chuyên gia nhận định ngành gỗ và nội thất còn dư địa phát triển, nâng cao kim ngạch xuất khẩu cũng như tỷ trọng trong tổng giá trị tiêu dùng gỗ và nội thất trên toàn cầu. Tuy nhiên để đạt hiệu quả, ngành cần cải tiến từng bước và nâng cao giá trị liên kết trong chuỗi cung ứng.
Cùng với đó cũng cần đẩy mạnh đầu tư đúng mức trong quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu đến người dùng trong nước và quốc tế.
Nguồn: Tổng hợp
Xem thêm
+ Lý do hàng nhái, hàng giả, hàng chất lượng thấp vẫn ngang nhiên tồn tại?