Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra quan điểm: Dù quy hoạch ngành nghề nhưng người nông dân vẫn chặt điều, chặt tiêu và “giải cứu” đàn lợn.
Quy hoạch liệu có chính xác?
Thảo luận xung quanh dự án Luật Quy hoạch, ĐBQH đoàn Bạc Liêu – Tạ Văn Hạ đặt ra câu hỏi về lợi ích mà người dân sẽ nhận trước Luật mà Nhà nước ban hành. Ông Hạ cho rằng, người dân đã làm đúng quy hoạch trồng trọt và chăn nuôi theo Nhà nước nhưng khi xảy ra thiệt hại, ai sẽ là người gánh chịu cùng họ?
Đại biểu này cũng cho rằng, Nhà nước không nên tham gia vào quy hoạch nông nghiệp. Bởi dù có quy hoạch rồi vẫn xảy ra thực trạng “giải cứu” và người dân vẫn chặt bỏ cây trồng do thừa, ế… Thiệt hại đó của nông dân có ai đền bù cho họ không vì đã làm đúng quy hoạch?
Chung quan điểm ĐBQH Bình Dương – Nguyễn Thanh Hồng cũng cho rằng bài học về quy hoạch đã ther hiện rõ trong việc “giải cứu” lợn. Và ông cho hay, hiện Đồng Nai thì đang giải cứu chuối, trong khi Bình Dương lại nhiều nhà đầu tư muốn tập trung vào sản phẩm này. “Vậy quy hoạch có hợp lý?”, ông Hồng nêu băn khoăn.
E ngại về “siêu hội đồng”
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng lo về vai trò của “siêu hội đồng” thẩm định trong quy hoạch. Bởi luật mang tính kế hoạch và đều từ Bộ KH&Đt là chủ quản.
ĐBQH đoàn Hòa Bình – Nguyễn Tiến Sinh thì nêu quan điểm với “siêu hội đồng”, ông cho rằng chỉ giao cho một đơn vị và phân quyền về địa phương. Ông cũng tỏ ra hoài nghi với năng lực, pháp lý của “siêu hội đồng” và đề nghị phải thiết kế lại quy định.
Giải trình trước những ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, dự luật chỉnh lý đã bỏ quy hoạch một số như nuôi lợn, gà, cá tra… để thị trường quyết định. Nhà nước có dự báo, định hướng chứ không quy hoạch.
Luật sẽ giữ quy hoạch với các sản phẩm liên quan hạ tầng để đảm bảo “đi trước một bước”, tận dụng tài nguyên, tránh lãng phí, ông Dũng chia sẻ.
Giải đáp những lo ngại của ĐBQH về Bộ KH&ĐT được trao nhiều quyền khi vừa “quản”, vừa lập và thẩm định, BT Dũng lý giải: Đề xuất lập ra từ Chính phủ và nếu quy hoạch nào cũng đưa về Chính phủ thì quá nhiều nên ủy quyền cho Bộ thẩm định.
Dự thảo của Luật quy hoạch gồm 6 chương với 72 điều và 2 phụ lục đi kèm, Luật dự kiến được thông qua vào Kỳ họp thứ 4 của Quốc Hội khóa XIV trong thời gian diễn ra từ 23.10-25.11 tại Hà Nội. Được thông qua thì Luật sẽ áp dụng từ 1.1.2019. Để đồng bộ hóa, phù hợp Luật mới này, dự kiến sẽ có khoảng 30 luật khác sẽ phải sửa đổi, bổ sung vào thành luật mới.
Với Nhà nước, việc đưa ra bất kỳ chính sách, luật sửa đổi nào cần có khảo sát và dựa vào thực tế nhằm hạn chế tối đa việc xảy ra tình trạng “nông sản nghĩa tình” như thời gian vừa qua. Cuối cùng người dân vẫn phải là người gánh chịu và là người bị thiệt hại nặng nề đầu tiên.