Ghi nhận cho đến ngày hôm nay, giá thanh long đã rớt xuống mức thấp kỉ lục: 500 đến 1.000 đ/kg. Trong khi đó, chi phí dùng cho việc đầu tư giống cây, phân bón ngày một tăng cao, khiến cho nhiều hộ nuôi trồng thanh long tại Bình Thuận buộc phải chặt bỏ toàn bộ số cây thanh long đang trồng trong bất lực để chuyển sang giống cây khác.
Bình Thuận, giá thanh long được bán ra ở các vườn chỉ từ 500 đến 1.000 đ/kg, mẫu nào đẹp để xuất khẩu thì còn được giá nhỉnh hơn một chút 1.200 đến 1.500 đ/kg.
Muốn thu lời lãi, nhà vường phải bán ra với giá ít nhất là 10.000 đ/kg để còn trang trải phí đầu vào cho vụ tới, nhưng giá rớt thê thảm như vậy thì vốn còn chưa hồi được chứ tính sao đến được vụ sau. Bởi vậy, nhiều nhà vườn quyết định dừng trồng thanh long chuyển sang trồng loại cây khác.
Anh Tường, ngụ tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cho biết: “Giá thanh lòng rớt quá thảm, nguyên liệu cho phân bón, chi phí đầu vào ngày một tăng cao, nhà vườn nào cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Nguồn vốn ban đầu đã cạn kiệt, chờ thị trường ổn định lại còn mông lung không biết đến bao giờ nên nông dân ai cũng sốt ruột. Gia đình tôi cũng phải đốn bỏ 3ha thanh long, có thể sẽ chuyển sang trồng dừa hoặc xoài”.
Một thương lái cho hay: “Nhà vườn được tôi lấy 5, 7 tấn thanh long thì thu về được 3, 4 triệu đồng. Đấy là mãi tôi mới chọn ra được loại ưng í để mua, còn có những nơi không có thương lái tới thu mua thì buộc phải thuê người tới dọn vườn. Thương lái như tôi cũng ngán ngẩm. Chi phí xuất sang Trung Quốc thì tăng cao gấp 3, 4 lần. Chẳng còn tí lời lãi nào nữa nên nhiều thương lái cũng chẳng dám nhập vào”.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, do việc xuất khẩu thanh long bằng đường bộ ở cửa khẩu phía Bắc đang ùn ứ dẫn đến giá bán thanh long giảm sâu. Trong khi đó, xuất khẩu bằng đường biển có chi phí vận chuyển quá cao, lại khan hiếm vỏ container nên cũng chẳng xuất đi được nhiều. Hay có trường hợp thanh long khi vận chuyển tới cửa khẩu lại không thể thông quan dẫn đến trái bị hư hỏng, chi phí tăng cao, doanh nghiệp thua lỗ nặng.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có hơn 33.750 ha diện tích trồng thanh long. Đầu năm 2022, số diện tích thanh long giảm đi 2.171 ha, trong đó giảm nhiều nhất tại ba huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Thuận Nam. Toàn tỉnh đã có hơn 500 ha cây thanh long bị chặt bỏ.
Trước tình hình đó, Sở khuyến cáo người dân cần tính toán kỹ trước khi nhổ bỏ thanh long, thay vào đó tập trung chăm sóc với chi phí thấp nhất như tỉa bỏ cành, hoa, quả phù hợp, dưỡng lại vườn, chuyển sang các mô hình canh tác thanh long bền vững, an toàn theo các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Đồng thời, Sở cũng thực hiện công tác hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tập trung sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thanh long hữu cơ để nâng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu.
Nguồn: Tổng hợp
Xem thêm
+ Giá xăng “giáng đòn” xuống doanh nghiệp Đà Nẵng