Thời điểm mùa Tết đang cận kề, nhu cầu săn các sản thực phẩm độc, lạ đón Tết lên ngôi, trong đó có các sản phẩm rượu được quảng cáo là tăng cường sinh lực, uống để “một người khỏe, hai người vui”.
Hàng loạt các tên gọi của rượu được xướng lên và chủ yếu xuất hiện tại thị trường chợ “đen” như rượu “138”, rượu sâm, rượu ngâm động vật… Sự thật nguồn gốc và chất lượng các loại rượu này đến đâu?
Rượu “138”
Đây là cái tên dành cho rượu ngâm “thuốc phiện”. Tên gọi này xuất phát tại những bản làng dân tộc để đặt cho loại rượu ngâm các loại rễ cây và quả cây anh túc (thuốc phiện). Một sản phẩm bị cấm lưu hành vì độ gây nghiện và ảnh hưởng sức khỏe con người. Cái tên “138” bắt nguồn từ chính Ban chỉ đạo 138 của CP về chống tội phạm ma túy và cây thuốc phiện.
Dù trong danh mục cấm nhưng lời đồn về tăng sinh lực phái mạnh đã khiến loại rượu này lúc nào cũng khan hàng. Nhiều người săn rượu “138” làm quà biếu Tết, để tiếp khách…
Ngồi tại một nhà hàng chúng tôi nghe cuộc hội thoại của người mua hàng và chủ nhà hàng, vì người mua năn nỉ mua rượu “138” đi biếu sếp nên chủ nhà hàng mới đồng ý để cho 2 bình vì hàng rất khan để thấy sức hút của loại rượu này khá lớn.
Vừa qua, lực lượng chức năng đã “đánh mạnh” đường dây buôn rượu trái phép nên con buôn và người mua phải thực hiện “chui”, lén lút hơn và cũng bớt nhốn nháo hơn trước.
Thời điểm 2-3 năm trước nếu đặt chân lên vùng cao Lao Châu, Sơn La, Yên Bái… thì nhà hàng bày bán công khai và mời khách mua rượu “138”. Nhưng nay thì đầu nậu phải né luật, tinh vi hơn và giá rượu cũng tăng cao 2-3 lần. Để lách luật thì mua bán online là công cụ được nhiều đầu nậu sử dụng để chào mời khách.
Vào Google tìm kiếm rượu “138” thì ra link facebook đăng bán, nick này quảng cáo do người Mông ngâm 2 năm và giá 2 triệu cho bình 5 lít và được đông đảo dân nhậu quan tâm.
Rượu ngâm động, thực vật
Cuối năm, trên nhiều tuyến phố Hà Nội, các xe máy chở rượu ngâm, chở kèm luôn cả đồ ngâm cho thực chất bán cho người tiêu dùng. Nào rượu rế đinh lăng, chuối hột, mật gấu, tắc kè, bọ cạp, bìm bịp, bổ củi… Những con vật đựng trong túi bóng, bao tải và đang bò lồm ngồm. Xe máy chở thành “sạp” bán hàng di động và người bán quảng cáo rượu này chữa nhiều bệnh, nhất là mang đến sảng khoải và hưng phấn cho giới mày râu. Giá mỗi loại trung bình từ 100-200 nghìn mỗi cặp nhỏ.
Với những lời quảng cáo có cánh về rượu “138” và rượu ngâm động, thực vật là “một người khỏe hai người vui” khiến nhiều quý ông tò mò mua về thử. Nhưng tác dụng thì chưa biết đến đâu.
Anh Sơn (Mỹ Đình – Hà Nội) sau khi bỏ ra 2 triệu đồng mua một bình rượu ngâm động vật về dùng thử thì càng ngày anh càng thấy mệt hơn chứ chả thấy vui đâu cả.
Anh Sơn chỉ là một trong số nhiều người mắc “bẫy” quảng cáo của các “sạp” kinh doanh. Và họ đã thu khoản lời khổng lồ từ số tiền của anh.
Sự thực về công dụng của các loại rượu này ra sao? bác sỹ Hà Thị Bích Ngọc –BV YHCT (Bộ Công An) chia sẻ, các loại rượu ngâm trực tiếp động vật sẽ chứa độc tính vì mọi sản phẩm Đông y khi ngâm đều phải sao tẩm kỹ càng.
Còn với rượu “138” nếu dùng thường xuyên sẽ tích tụ và gây nghiện cho người dùng. Và rượu đang bị cấm lưu hành và không có chứng cứ khoa học chứng minh công dụng “một người khỏe hai người vui” nên cần nhận thức hậu quả khôn lường nếu sử dụng.