Thị trường rau quả xuất khẩu tăng mạnh, người Việt chi hàng chục triệu USD cho hoa quả ngoại… Vậy mà có một nghịch lý rau quả Việt thua ngay trên sân nhà khi hàng loạt các loại rau quả, trái cây… ứ đọng phải kêu gọi “giải cứu”.
Thời điểm năm 2016, ngành rau quả Việt có bứt phá khi xuấ khẩu đạt 2.4 tỷ USD, tăng 31.2% so với năm trước. Lần đầu rau quả vượt qua lúa gạo để thành mặt hàng chủ lực xâm nhập vào thị trường 60 nước, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Hàn, Đài Loan, Hà Lan… Quý I/2017, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng. Đặc biệt có nhiều trái cây được thị trường khó tính chấp nhận như quả vú sữa tươi đã được thị trường Mỹ chấp nhận nhập khẩu kể từ 19.4.
Nghịch lý thua trên sân nhà…
Trong khi trái cây nội đang từng bước thâm nhập thị trường quốc tế thì ngay trên sân nhà, người nông dân lại điêu đứng với cảnh ứ đọng rau quả. Liên tiếp các cuộc giải cứu diễn ra như chuối ở Đồng Nai, Dưa hấu Quảng Ngãi, Thanh long Bình Thuận….
Nghịch lý khi nông sản Việt cần giải cứu thì mỗi ngày, bình quân người tiêu dùng Việt chi khoảng 2.5 triệu USD (khoảng 58 tỷ đồng) cho rau quả nhập. Thống kê từ Tổng cục Hải Quan, năm 2010 là 294 triệu USD nhập nhưng năm 2016 đã tăng 3 lần lên 924.8 triệu USD.
Khảo sát tại các chợ, siêu thị, trái cây ngoại tràn ngập, lấn át với hàng chục chủng loại, xuất xứ khắp các nước. Giá hoa quả nhập khẩu cũng theo đó siêu rẻ khiến hàng nội không thể cạnh tranh. Giá táo nhiều thời điểm khuyến mãi chỉ còn 39.000đ/kg; 65.000đ/kg; kiwi chỉ 60.000đ/kg… Nhiều trái cây thế mạnh của Việt Nam như thanh long hay mãng cầu cũng có hàng nhập. Dù giá cao ngất ngưởng 500.000đ – 700.000đ/kg nhưng vẫn có nhiều người tiêu dùng mua ăn và làm quà biếu.
Cần nâng cao chất lượng
Tại sao thị trường xuất nhập vẫn sôi động mà rau quả Việt lại thất bại trên sân nhà? Một đại diện doanh nghiệp trồng chuối vẫn đứng vững trong tâm bão chuối chia sẻ. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa có định hình thị trường tiêu thụ. Người nông dân vẫn trồng theo cảm tính mà không nhắm được mình trồng bán cho ai, thị trường nào.
Theo đại diện doanh nghiệp này, xuất khẩu rau quả không hề dễ dàng, nhất là các htij trường khó tính. Để sản phẩm xuất được cần qua rất nhiều khâu kiểm tra, đánh giá khắt khe theo quy trình… Tuy nhiên, với người nông dân thì trồng ồ ạt, không tuân theo kỹ thuật nên không đủ chất lượng xuất khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, vai trò cải thiện chất lượng hàng hóa với người nông dân vô cùng quan trọng. Nhưng hạn chế của chúng ta là thị trường không đồng đều, không có sự liên kết chặt chẽ, khâu chế biến chưa mạnh nên bỏ phí nhiều sản phẩm giá rẻ. Thị trường phân phối tự phát, không chuyên, nhà nước cần hỗ trợ chính sách liên kết doanh nghiệp với nông dân và kiểm soát chặt không cho trái cây kém chất lượng tràn vào thị trường.
Với cái nhìn tổng quan, GS Võ Tòng Xuân nhận định 3 nguyên nhân tác động tới thực trạng trên là do tâm lý sính hàng ngoại của người Việt; liên kết yếu giữa doanh nghiệp và người dân, thương lái phụ thuộc vào Trung Quốc, rủi ro cao và quan trọng nhất là chất lượng của sản phẩm.