Chỉ cần khi khai thác “đụng trúng ổ” thì chuyện thu được tiền tỷ sau chuyến khai thác là bình thường. Do vậy, dù có bị cơ quan chức năng cấm và xử phạt nặng nhưng nhiều tàu vẫn bất chấp, lén lút thực hiện khai thác sò tai tượng nhằm lấy vỏ bán”, ngư dân X.T, thợ lặn ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn chia sẻ mở đầu câu chuyện.
Dù đã có quen biết nhau trước đó nhưng chỉ khi cam kết không chụp hình, không ghi âm… ngư dân V.T tại huyện Bình Sơn một thợ lặn bắt sò tai tượng đã giải nghệ đồng ý trò chuyện về việc săn tìm con vật này.
Không như việc khai thác tôm hay cá phải sử dụng lưới, câu… việc bắt sò tai tượng chủ yếu được thực hiện bằng hình thức lặn. Giá trị nhất của sò tai tượng là bộ vỏ. Không chỉ nằm ở độ sâu 30-50m so với mực nước biển như loài hải sâm mà sò tai tượng còn bám cứng chắc vào các rặng san hô ngoài khơi xa. Trong đó, chủ yếu tập trung nhiều ở khu vực biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Với những loại sò tai tượng có trọng lượng, kích thước nhỏ từ 5-20kg/con thì thợ lặn cần dùng xà beng chọt, nạy và mang lên tàu rồi cạy bỏ thịt để lấy vỏ bán. Còn loại sò tai tượng có trọng lượng lớn tính đến mỗi con hàng trăm kg thì phải cần 2-3 thợ lặn thay phiên nhau nạy, đục… sau đó dùng neo tàu để móc vào kéo lên. Cá biệt có những con sò quá to thì dùng cẩu để cẩu.
Một số thợ lặn kỳ cựu tại huyện đảo Lý Sơn chia sẻ: “Con sò tai tượng lớn nhất mà ngư dân nơi đây bắt được, chỉ một bên vỏ của nó đã có chiều dài gần 2m. Một người dân trong vùng mua về làm bể tắm một thười gian rồi sau đó cũng bán cho khách Hà Nội. Tuy không biết chính xác mức giá bán là bao nhiêu nhưng giá bán chung của những vỏ sò tai tượng hàng “khủng” ấy được tính bằng con số hàng trăm triệu mỗi con.
Thợ lặn M.C ở Bình Châu cho hay: “Đối với số tàu và ngư dân hành nghề này thì không bị tốn chi phí để sắm sửa ngư lưới cụ, đá ướp hải sản hay các thiết bị vật dụng khác hưng lợi nhuận lại cao gấp nhiều lần”.
Tùy địa điểm khai thác khác nhau và thời gian ra khơi mà số lượng sò tai tượng lặn bắt được cũng khác nhau. Nếu may mắn “đụng ổ” (nơi sò tụ nhiều) thì số lượng tính bằng vài trăm con/chuyến. Giá bán sò tai tượng tùy thuộc vào kích thước, trọng lượng vỏ, dao động từ 50.000 đồng – 60 triệu đồng/con.
Vì thế mà mỗi chuyến đi, thợ lặn kiếm chừng 500-700 triệu đồng từ khai thác sò tai tượng là chuyện bình thường. Còn nhiều thợ lặn kiếm tiền tỷ, được nhiều tỷ đồng/chuyến cũng không phải là hiếm. Thợ lặn M.C cho hay: “Như cầu tiêu thụ vỏ của sò tai tượng trên thị trường vô cùng lớn nên chỉ cần khai thác được là có nhiều người đến hỏi mua. Không ít thời điểm dù chưa đi khai thác đã có người đến dặn đặt hàng trước nên không bao giờ sợ ế.
Chính vì thế mà dù việc lặn để bắt sò tai tượng vô cùng nguy hiểm, đã bị cơ quan chức năng cấm khai thác và xử phạt rất nặng nhưng do lợi nhuận khủng măng về của sò tai tượng mà nhiều ngư dân vẫn lén lút đi khai thác.