Ung thư ngày nay đang trở thành hiểm họa, nỗi lo thường trực, hiện hữu ở khắp các làng quê Việt mà trong đó, một trong những nguyên nhân chính gây nên là do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Kit thử nhanh an toàn thực phẩm
Xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội vốn có xuất phát điểm là nơi khó khăn hơn nhiều so với các địa phương khác trong toàn huyện. Nhưng nhờ cao trào bứt phá lên trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2013 với việc tập trung chủ yếu vào đầu tư hạ tầng giao thông; đầu tư trường học; đầu tư trạm y tế; nhà văn hóa thôn… nên đến tháng 12/2015, xã đã được công nhận đạt chuẩn.
Không thỏa mãn và dừng lại ở đó, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 30 triệu/năm cùng khối đoàn kết toàn dân bền vững, hệ thống chính trị trong sạch.
Tưởng chừng yên tâm với đà phát triển này nhưng còn mối lo treo lơ lửng trên đầu người dân nơi đây: Hiểm họa bệnh ung thư. Thống kê từ trạm y tế có tới 13 người chết vì ung thư năm 2013; 11 người chết vì ung thư năm 2016; 8 người chết vì ung thư trong 4 tháng đầu năm 2017.
Số bệnh nhân đang lay lắt chờ chết tới 19 người chủ yếu mắc bệnh ung thư gan; dạ dày; họng; thực quản; phổi; máu… Mỗi gia đình có người mắc ung thư là một nỗi đau, tiêu tán tài sản cho chạy chữa nhưng tuyệt vọng. Ung thư là hệ quả trực tiếp hoặc gián tiếp của môi trường. Vậy vì sao mà nên nỗi như thế?
Là xã thuần nông, Hồng Hà dựa vào hai nghề chính là làm đậu phụ, nấu rượu. Toàn xã có 333 hộ làm đậu; 252 hộ nấu rượu; mỗi ngày chế biến 30-40 tấn nông sản. Nghề này thu lãi khi bán trực tiếp và lãi nhờ phụ phẩm, bã để cho chăn nuôi lợn. Nhiều thời điểm đàn lợn của xã tăng 15.000 con.
Người dân không có đất đai rộng rãi nên tận dụng mọi góc vườn, góc nhà dựng chuồng trại nuôi lợn. Nhỏ thì vài con, lớn thì vài trăm con, gây sức ép vô cùng lớn với môi trường. Nước thải, chất thải từ chăn nuôi xả ra cả trăm tấn, ngàn m3 nhưng toàn xã mới có 132 hầm biogas, không đủ sức tải nổi.
Cùng với đó, tình trạng đất chật, người đông đã triệt hạ các lá phổi xanh của làng quê. Hơn 10 cái giếng bán đi chỉ còn 1 cái để lấy tiền làm đường giao thông. Hàng trăm ao hồ bị lấp làm vườn, làm nhà. 6 ao tập thể được xây, kè nhưng biến thành ao tù, nước đọng.
Rác, chất thải không được xử lý tự nhiên gây ùn ứ, dồn xuống cống, rãnh, đen xì. Ruồi, muỗi sinh sôi, mùi hôi bốc quanh năm, bệnh tật cũng từ đó mà tăng.
Trong những động thái được xem là quyết liệu khi Hồng Hà ra hẳn nghị quyết hỗ trợ kinh phí xây hầm biogas. Cùng với đó là nghị quyết về hỏa táng người chết. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/1 trường hợp. Tất cả đều nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Bình Đà – Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong quá trình xây dựng NTM, môi trường là điểm yếu nhất của địa phương. Ô nhiễm môi trường chủ yếu bùng phát từ chăn nuôi không đi kèm với xử lý chất thải triệt để. Thêm đó, tỷ lệ hung táng còn nhiều, hỏa táng thấp.
Để khắc phục ô nhiễm môi trường, địa phương đã xây dựng khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, dự kiến năm 2018 sẽ hoàn thành. Khi đó, ai đăng ký ra chăn nuôi tập trung sẽ không được cấp phép chăn nôi ở khu dân cư. Bù lại họ được hỗ trợ về hạ tầng cơ sở như điện, đường giao thông…
Hiện nghị quyết của xã đang thược hiện hỗ trợ 1 triệu đồng/hầm biogas nhưng hiện địa phương đang đề nghị huyện hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/hầm… Tất cả nguồn lực, Hồng Hà sẽ chú trọng vào cải thiện môi trường, tăng thu nhập, kích cầu sản xuất cho một cuộc sống giàu có nhưng đảm bảo khỏe, sạch và bền vững.