Trước thực trạng ngành dâu tằm tơ nước ta đang loay hoay với hướng phát triển bền vững chưa xong thì nay lại xuất hiện thêm mối lo ngại từ các nhà đầu tư của Trung Quốc núp bóng tạo ra những bất ổn cho thị trường.
Kit thử nhanh an toàn thực phẩm
Những bất ổn tồn tại
Theo hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, kể từ sau giai đoạn suy thoái những năm 2007, ngành đã dần hồi phục và có những bước phát triển mạnh. Hiện nay, cả nước có trên 200 hộ nuôi tằm tập trung, chủ yếu tại Lâm Đồng có 150 hộ; 40 dãy ươm tơ tự động hoạt động và dự kiến tăng lên 50 vào cuối năm nay. Sự tăng “nóng” này đang gây thách thức khi mất cân đối giữa trang bị máy móc hiện đại với phát triển vùng nguyên liệu.
Ngày 15.4 vừa qua tại đại hội Hiệp hội diễn ra tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, ông Đặng Vĩnh Thọ – chủ tịch Hiệp hội, phó TGĐ công ty CP Tổng cty dâu tằm tơ Việt Nam cho biết: Hiện nay trên cả nước có 7-8.000 ha dâu. Nếu nông dân đầu tư tốt, năng suất khoảng 30 tấn/ha, tằm không dịch bệnh thì kén thu về cũng chưa đủ đáp ứng công suất vận hành của máy móc mà các doanh nghiệp đã đầu tư. Chỉ riêng Lâm Đồng có 15 đơn vị ươm tơ tự động, cho 2 tấn tơ/ngày và khoảng 20 đơn vị ươm tơ cơ khí cho gần 1 tấn/ngày. Song mạnh ai nấy làm, cạnh tranh lẫn nhau gây bất ổn thị trường.
Tuy nhiên khâu được xem quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất là cung ứng giống tằm thì lại bỏ ngỏ. Chưa có doanh nghiệp nào chính thức đứng ra cung ứng dịch vụ này. Các doanh nghiệp tư nhân vẫn nhập trứng tằm từ nguồn Trung Quốc và không có kiểm dịch nguồn gốc, nhiều thời điểm gây thiệt hại cho bà con nuôi tằm.
Mối lo từ thương lái Trung Quốc
Cùng theo Hiệp hội, thị trường dâu tằm nước ta không nhỏ nhưng mỗi năm vẫn phải nhập khẩu cả nghìn tấn từ Trung Quốc, Brazil… để gia công xuất Nhật.
Không những thế, chúng ta còn phải đối phó với thương lái Trung Quốc “núp bóng” là doanh nghiệp trong nước. Họ đầu tư ươm tơ rồi thu mua với giá cao “trên trời” khiến doanh nghiệp trong nước điêu đứng.
Nhiều doanh nghiệp Việt nhận định tình hình này không ổn. Bởi nhìn qua thì đang lợi cho người trồng dâu. Nhưng về tương lai xa, khi doanh nghiệp Việt khốn đón, bỏ ngành thì lúc đó thương lái Trung Quốc dìm giá xuống đáy. Khi đó, doanh nghiệp Việt có quay lại cũng khó bởi vấn đề nhân lực, máy móc vận hành… Không những thế, ở nước ta xuất khẩu tơ tằm sang Ấn Độ đang được miễn thuế 14% nên Trung Quốc đổ sang lấy danh nghĩa doanh nghiệp Việt để hưởng lợi.
Cách nào cho phát triển bền vững?
Trước thực trạng trên, nêu chúng ta không có phát triển chiến lược dài hạn thì khoảng chục năm nữa chúng ta sẽ hầu như không có nguyên liệu trong sản xuất. Do vậy cần vai trò chủ chốt của Hiệp hội phát huy. Cùng với đó cần kiểm soát khâu cấp giấy phép đầu tư nhằm hạn chế thương nhân Trung Quốc tràn lan vào ngành này.
Ngoài ra, ông Lê Thái Vũ, Ủy viên BCH Hiệp hội cũng nhận định, để có sự phát triển bền vững cho ngành dâu tằm tơ, cần tạo ra các sản phẩm thời trang và đa dạng sản phẩm từ tơ lụa. Có sự kết hợp du lịch để du khách trải nghiệm và các lễ hội quảng bá tơ lụa Việt với du khách quốc tế.