Ngao mất mùa – dân khóc ròng
Chưa năm nào mùa ngao buồn như năm nay. Thời tiết rét đậm rét hại kéo dài cùng với những hình thái thời tiết khó chịu khác khiến những hộ nuôi ngao tại Thạch Hà và Lộc Hà ở Hà Tĩnh lao đao. Lượng ngao chết vì trời lạnh quá lớn cùng với đầu ra không ổn định, giá thấp.
Thời tiết dần trở lạnh ở Hà Tĩnh, trời rét căm, cùng mưa phùn, nhưng vào tầm 14h hàng ngày, những hộ nuôi ngao tại thôn Mai Lâm thuộc xã Mai Phụ lại ra đầm vớt vỏ ngao đi đổ, và chuẩn bị cho một mùa ngao mới.
Theo ông Lê Đình Thành, một trong những người tiên phong trong nghề nuôi mai tại xã Mai Phụ cho biết, hàng ngày, không chỉ ông mà các hộ dân nuôi ngao ở đây đều phải thuê người cào ngao chết với giá 200.000đ/người. Riêng phần đầm của ông, với lượng lao động từ 10 – 12 người và làm liên tục suốt 20 ngày rồi vẫn chưa xong khâu vệ sinh đầm.
Việc vệ sinh ao đầm kéo dài này khiến vụ ngao năm 2016 bị chậm thời vụ, và rủi ro vào cuối vụ cũng tăng cao.
Theo ông, thiệt hại về mùa ngao năm nay là năm thất thu lớn nhất. Những năm trước, số ngao chết vì dịch bệnh hay thời tiết chỉ bị cục bộ và rải rác, còn năm nay, sau đợt rét đậm rét hại, lượng ngao chết trên đầm bạt ngàn, kéo dài từ đầm của hộ này đến hộ khác, trắng cả một xã Mai Phụ, ai nhìn cảnh đầm sau khi thủy triều rút cũng xót xa.
Riêng ở nhà ông Thành, tỉ lệ ngao chết chiếm hơn 60%, với đầu ra bấp bênh và giá thành thấp, thì không thể bù lại những chi phí đã bỏ ra đầu tư. Riêng hộ ông Thành, tiền ngao giống hết hơn 1,8 tỷ đồng. Sau vụ ngao này, gia đình ông lỗ khoảng 5 tỷ. Một con số khổng lồ cho một hộ nông dân.
Trưởng thôn Mai Lâm là ông Lê Xuân Hùng cho biết, gia đình ông nuôi 100 tấn ngao trên phạm vi 15 ha, tương đương với hơn 4 tỷ đồng tiền chi phí và giống. Còn đến giai đoạn thu hoạch, ông lại lo lắng ngồi tính lãi để mang đến trả ngân hàng cho khoản vay đầu tư ban đầu.
Ông Hùng cho biết, mỗi vụ mùa ông phải cầm cố nhà cửa, đất đai và các tài sản để vay hơn 2 tỷ đồng làm vốn đầu tư. Dự tính, sau vụ thu hoạch, ông trả nợ ngân hàng và có vốn xoay vòng để vay và đầu tư tiếp.
Với dự định ban đầu của ông, nếu ngao không mất mùa và giá ngao không thấp như thế, thì đến hết tháng 6 năm 2016 gia đình ông có thể trả hết nợ cũ, và vụ mùa 2017 có thể vay mới để đầu tư tiếp. Tuy nhiên, với việc mất mùa ngao đồng bộ khiến dự định và kế hoạch ban đầu của gia đình ông cũng như cả trăm hộ nông dân ở đây đổ bể, và phải lo lắng cho khoản lãi ngân hàng mỗi tháng.
Không chỉ riêng nhà ông Thành, mà nhà ông Hùng hay các hộ gia đình khác ở đây đều có diện tích ngao chết từ 40 -60%, gia đình ai cũng khang trang, nhưng nợ chồng chất, ít thì vài trăm triệu, nhiều lên đến vài tỉ.
Các hộ dân ở đây không có nhiều mong muốn về hỗ trợ khắc phục hậu quả về kinh tế do thiên tai để lại, mà chỉ mong muốn tỉnh, huyện và xã thực hiện Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND, ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm hỗ trợ 50% lãi suất cho bà con.
Tuy nhiên, mong muốn này của bà con còn khá khó khăn và xa vời khi mà các trường hợp cần giải quyết từ năm 2015 còn ứ đọng.
Loan Nguyễn – Thị Trường 60s – Kênh Tin tức thị trường tiêu dùng tổng hợp và nhanh nhất hiện nay
Xem thêm