Thời gian qua dư luận xôn xao với các thương hiệu “bún mắng, cháo chửi” tại Hà Nội thì giờ đây mọc lên hàng loạt các kiểu nhà hàng “chửi” như “hotdog chửi, buffe chửi”… điều này đang đặt ra câu hỏi văn hóa ứng xử đang ở đâu?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà hàng “chửi” hiện nay bắt nguồn từ công nghệ. Thời đại bùng nổ thông tin đã khiến những người trải nghiệm sau khi ăn thoải mái nêu cảm nhận của mình qua các trnag mạng xã hội, trang thông tin. Và chính bởi những chia sẻ công khai ấy dù thật lòng nhưng gây bất lợi cho nhà hàng đã khiến thực khách bị “chửi” tới tấp, “chửi” hội đồng khi không chỉ người đứng đầu là chủ quán mà hàng loạt nhân viên phe cánh cùng kéo vào để “thêm dầu vào lửa”.
“Thượng đế” thành “hạ đế”
Mạng xã hội những ngày qua không ngừng “nóng” lên xung quanh câu chuyện cô gái trẻ mua hotdog tại cửa hàng ở khu phố Hàm Long (Hà Nội). Sau khi ăn, cô gái đăng tấm ảnh hotdog và album những đồ ăn trải nghiệm của mình trên Facebook. Cô đưa ra những nhận chi tiết khiến món ăn của cửa hàng này không hợp với cô và cuối cùng cô bày tỏ cảm xúc nhớ đến một cửa hàng hotdog khác tại Hà Nội.
Mạng xã hội có sức lan tỏa khủng khiếp khi lời nhận xét của cô gái trẻ này đến tai chủ quán. Lập tức hai vợ chồng chủ quán hotdog share về tường của mình và hàng loạt nhân viên nhảy vào gay gắt phản pháo. Cuộc chiến bùng nổ không chỉ người nhận xét là cô gái bị chửi mà bất kỳ quan điểm nào bênh vực cô gái đó cũng bị dùng lời lẽ khiếm nhã, khó chịu.
Thậm chí người đàn ông chủ cửa hàng có dạo dán ảnh cô gái đó lên cửa hàng, cấm phục vụ. Với cách hành xử này, vô hình chung ngoài việc mất một khách là cô gái trẻ đó còn vô số khách hàng tiềm năng tương lai cũng sợ mà “bỏ chạy”.
Ngoài ra, một trường hợp tương tự xảy ra với thực khách thưởng thức món ăn tại nhà hàng buffet lẩu nướng tại Thanh Xuân (Hà Nội) khi vị thực khách chia sẻ cảm nhận không mấy tích cực về nhà hàng trên trang Lozi. Tưởng rằng đó chỉ là nhận xét cá nhân nhưng thực khách bị một nick vào đe dọa, mát sát với lời thô tục. Nhiều người cho rằng đó có thể là chủ của chuỗi nhà hàng buffet.
Cần có ứng xử khôn khéo với đôi bên
Khen hay chê là lẽ rất thường tình do khẩu vị mỗi người một khác,TS Nhạc Phan Linh – Viện Xã hội học ứng dụng cho rằng, việc thuận mua vừa lá hành vi giao dịch dân sự và chuyện đôi co giữa hai bên cũng là hành vi dân sự. Nhưng đã có “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng” nên nếu khách có nhận xét cũng nên cân nhắc, viết trên trang cá nhân hay phản hồi riêng với nhà hàng sẽ phù hợp.
Khách hàng dù là thượng đế nhưng cũng cần bình tính với quan điểm cá nhân, góp ý một cách tích cực, xây dựng. Còn nhà hàng cần phải nhìn nhận lời chê để rút kinh nghiệm, nâng cao, đổi mới và hoàn thiện mình. Khi phản ứng nhà hàng thái quá sẽ nhận hậu quả khôn lường bởi khách hàng có thể đồng tâm để tẩy chay.
Với người kinh doanh ẩm thực cần nắm lòng một nguyên tắc bất biến không đôi co với khách hay tỏ thái độ thái quá. Bởi câu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” nghe thì dễ nhưng thực hiện là cả một vấn đề lớn không phải ai cũng áp dụng triệt để.