Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, giá của mít Thái rớt dần xuống tình trạng rất tệ. Với 1kg mít Thái được bán ra chỉ có thể thu về 1/3 phí sản xuất ban đầu bỏ ra, chưa tính tới tiền công chăm sóc trồng trọt…
Anh Tài, một nông dân tại Tháp Mười, Đồng Tháp thông tin giá mít Thái hiện tại đang gần như chạm đáy. Nếu không phân loại mà bán ở vựa, tính ra trung bình 1kg chỉ có giá là 3.000 đ, còn bán ngay vườn chỉ thu về 2.000 đến 2.500 đ/kg, trong khi chi phí ban đầu phải bỏ ra để có được mít Thái là từ 6.000 đến 9.000 đ/kg.
Anh Tài nói: “ Nếu theo đúng giá đó, hiện nay các nhà vườn phải chịu thua lỗ khoảng từ 3.000 đến 6.000 đ/kg tùy thuộc vào mức độ mỗi vườn đầu tư như thế nào. Càng đầu tư nhiều số thiệt hại phải chịu càng lớn”.
Anh Tài cũng cho hay, để có mít Thái bán ra thị trường phải bỏ ra một khoản chi phí không hề rẻ, do giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không ngừng tăng, giống mít Thái này cũng dễ bị mắc bệnh liên tục, phải phun thuốc và bón phân thường xuyên mới có thể phát triển. Rất nhiều những người dân ở Đồng Tháp đã trồng mít Thái đầy vườn và đang phải chịu thua lỗ.
Ở Tiền Giang vào sáng ngày 28/5 cũng ghi nhận tình trạng nông dân điêu đứng vì giá mít Thái giảm sút thậm tệ. Thương lái đến mua mít Thái tại vườn chỉ cần bỏ ra 4.000 đến 5.000 đ/kg cho mít Kem loại lớn, còn loại nhỏ chỉ có giá 2.000 đến 3.000 đ/kg. Giá bán tại vựa thì cao hơn, khoảng từ 6.000 đến 7.000 đ/kg cho loại lớn và từ 3.000 đến 4.000 đ/kg. Trong suốt những ngày vừa rồi đến nay, giá bán này vẫn không hề thay đổi.
Cũng vào ngày 28/5, tại các tỉnh thành như An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ cũng ghi nhận mít Thái hoàn toàn được giữ nguyên giá bán, không tăng cũng không giảm so với những ngày trước.
Đối với các loại mít chợ, thương lái Đồng bằng Sông Cửu Long mua tại vườn mít loại 1 chỉ từ 2.000 đ/kg, loại 2 từ 1.000 đ/kg. Còn nếu mua tại vựa, mít loại 1 là 3.000 đ/kg, loại 2 là 2.000 đ/kg.
Do tình trạng tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay đang gặp khó khăn, các đối tác lớn cũng chỉ lấy về số lượng ít vì họ yêu cầu chất lượng mít cao hơn. Do vậy, các vựa tại tỉnh Tiền Giang cũng cũng không dám nhập về số lượng lớn mít và cũng chỉ chọn ra những trái có mẫu mã tốt, với hy vọng nhận được sự thông cảm từ các thương lái.
Không những thế, một thông tin khác từ chủ một vừa mít Thái tại Nhà Bè, Tiền Giang nói rằng vì giá xăng dầu ngày càng tăng cao, thời gian làm thủ tục để qua cửa khẩu còn chậm chạp khiến cho chi phí vận chuyển đội giá lên cao, gây áp lực lớn tới các vựa. Đó cũng là lí do giải thích cho việc nhiều vựa tại Tiền Giang và đồng bằng Sông Cửu Long chuyên kinh doanh mít Thái phải tạm dừng hoạt động.
Nguồn: Tổng hợp
Xem thêm
+ Sức hút ngang ngửa cherry Mỹ, điều gì đã khiến dân tình mê mẩn loại mận này?
+ Bàng hoàng trước cảnh rau muống Hà Nội 20.000 đ/bó do mưa lớn triền miên kéo dài