Bên cạnh các chính sách cũ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản OCOP.
Lai Châu là vùng đất có điều kiện tự nhiên thích hợp cho nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, cây ăn quả, dược liệu, rau củ quả, hoa, lúa… phát triển. Những năm qua, tỉnh đã mở rộng thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
Thời điểm này, toàn tỉnh có 124 sản phẩm được công nhận sản phẩm nông sản OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đợt 1 năm 2022, tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP toàn tỉnh có 20 hồ sơ sản phẩm của 11 chủ thể (3 hợp tác xã, 2 doanh nghiệp và 6 hộ kinh doanh) là sản phẩm đăng ký đánh giá phân hạng lần đầu, không có sản phẩm đăng ký nâng hạng. Trong đó, có 18 sản phẩm từ nhóm ngành thực phẩm của 9 chủ thể; 2 sản phẩm từ nhóm ngành đồ uống của 2 chủ thể. Cả 20 hồ sơ đều đáp ứng yêu cầu và mỗi sản phẩm có ít nhất 5 mẫu sản phẩm theo hồ sơ đăng ký kèm theo.
Ngoài các chính sách trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn, cụ thể là Sở Công Thương phối hợp cùng các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản OCOP.
Đơn cử tổ chức Hội thảo Xúc tiến sản phẩm chè của tỉnh vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á hồi tháng 6 vừa qua. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè tham gia có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè của tỉnh đến doanh nghiệp các nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.
Sở Công Thương thông tin 15 phiên tư vấn trực tuyến xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam sang thị trường nước ngoài do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức đến các hội, hiệp hội và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lựa chọn tổ chức 4 điểm cầu trực tuyến để xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế của tỉnh vào thị trường Nhật Bản, Mexico, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan… Các doanh nghiệp đã được phổ biến thông tin thị trường, các quy định, tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch hàng hóa theo tiêu chuẩn của thị trường các nước nhập khẩu…
Bảy tháng đầu năm, Sở Công Thương đã thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã về 15 hội chợ, triển lãm thương mại, tuần hàng nông sản do các tỉnh, thành phố tổ chức; 12 hội nghị, hội thảo, chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức xúc tiến xuất khẩu do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức.
Việc tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP tại một số sự kiện thể hiện sự quan tâm các cấp lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn trong hoạt động kích cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử lớn để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Những hoạt động thiết thực này đã, đang và sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn và sản phẩm nông sản OCOP của tỉnh Lai Châu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, kết nối giữa nhà sản xuất của các tỉnh, thành với các kênh phân phối cả nước.
Nguồn: Tổng hợp
Xem thêm:
+ Lai Châu: Đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản OCOP