Cùng sản phẩm, hàng hóa đó nhưng mỗi cửa hàng, địa chỉ bán có giá cả khác nhau và hầu hết các sản phẩm nhập khẩu đó đều không có dán nhãn phụ bằng tiếng Việt… Thực trạng này phổ biến ở hầu hết các cửa hàng đồ tiêu dùng Thái Lan khiến người dùng không thể biết chất lượng của hàng hóa này.
Kit thử nhanh an toàn thực phẩm
Hàng Thái tràn lan, không nhãn phụ
Dạo qua các cửa hàng bán hàng tiêu dùng nhập khẩu, hàng Thái, Hàng Nhật… vô số các sản phẩm hàng tiêu dùng như dầu gội, hàng gia dụng như bàn chải, kem đánh răng, hàng quần áo… có nguồn gốc nhập khẩu nhưng đều không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Tại cửa hàng chuyên hàng tiêu dùng Thái Lan tại đường Trường Chinh (Hà Nội), trên các kệ hàng đủ các loại hàng Thái nhưng tìm từ đầu đến cuối không có một sản phẩm nào có nhãn Việt. Nhiều sản phẩm cùng thương hiệu, cùng nhãn hàng nhưng chỉ khác màu sắc khiến người dùng không biết thế nào mà lựa chọn.
Chị Hằng (Ngà Tư Sở – Hà Nội) chia sẻ, nhiều lúc mình cũng rất lúng túng vì không biết tiếng Thái nên chả biết tên gọi của sản phẩm, đành hỏi người mua bên cạnh hoặc hỏi nhân viên bán hàng. Nhưng hỏi nhiều quá lúc họ bận cũng thấy phiền.
Hơn thế chị Hằng còn tỏ ra ái ngại với hàng không nhãn phụ này vì chẳng khác nào tù mù “đánh đố” như thể hàng trôi nổi, hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí còn hàng lậu.
Khảo sát thực tế mới thấy, các shop treo biển “Hàng tiêu dùng Thái Lan” nhưng vào trong không chỉ hàng Thái mà thích hàng Nhật, hàng Hàn… đều có hết. Tất cả đều chỉ một thứ tiếng, nếu người tiêu dùng không biết tiếng thì chẳng hiểu gì bởi hàng không tem, nhãn phụ. Người bán hàng luôn quảng cáo hàng Thái. Nhưng nhiều cửa hàng còn cố tình giới thiệu nhầm lẫn cho người tiêu dùng như hàng thương hiệu của Thái nhưng sản xuất tại Trung Quốc. Hàng nhái hiện tinh vi không khác gì hàng thật. Tại cửa hàng còn có sự đánh tráo tinh vi nếu người mua không tinh ý như tất cả bộ phận của máy xay sinh tố như máy ghi “made in Thailand” nhưng riêng cốc say lại ghi “made in China”.
Với những vụ lùm xùm về hàng Tàu khiến người dùng e dè mặt hàng này nên hàng Thái rất được ưa chuộng. Nhưng ít người dùng để ý đến hàng Thái có vô số nguồn gốc xuất xứ.
Do đó, người dùng cần tỉnh táo tìm hiểu kỹ lưỡng sản phẩm để tránh mua phải hàng mẫu mã đẹp nhưng chất lượng không như mong muốn.
Hàng hóa phải có nhãn phụ
Trong Nghị định 43/2017 của Chính phủ đã quy định hàng nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và có nội dung tương ứng với nhãn gốc.
Nhãn phụ này chính là công cụ giúp Hải quan, cơ quan công an cũng như người tiêu dùng kiểm soát hàng chính hãng, phân biệt hàng hóa chính ngạch với hàng nhập lậu.
Với nhãn phụ này sẽ giúp người dùng có được đầy đủ thông tin về sản phẩm chứ không phải “tù mù” đi hỏi người mua bên cạnh hoặc người bán.
Việc hàng hóa nước ngoài không có tem phụ bằng tiếng Việt đã vi phạm Nghị định và gây khó cho người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý.
Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dùng để chọn được hàng chính hãng, không phải hàng giả, hàng nhái không chỉ là hàng Tàu, hàng Thái mà hàng ở bất kỳ quốc gia nào nhập khẩu vào Việt Nam cần phải chọn hàng có nhãn phụ và chọn nhà nhập khẩu uy tín.