Giống lúa Nhật hiện đang được trồng tràn lan trên hàng chục ngàn hecta tại ĐBSCL dù chưa hề được Bộ NN&PTNT khảo nghiệm và công nhận.
Gần đây, tại ĐBSCL diện tích lúa Nhật tăng lên hàng chục ngàn hecta. Ưu điểm giống lúa này ít nhiễm phèn, thích ứng thổ nhưỡng, khí hậu, chịu sâu bệnh, giảm chi phí, lợi huận cao. Tuy nhiên, do ồ ạt quá nhiều người trồng dẫn đến nguy cơ thừa sản lượng, khó tiêu thụ.
Tự phát gia tăng diện tích
Giống lúa Nhật mới du nhập vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT mới cho phép trồng ở đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, chưa có khảo nghiệm, chưa công nhận ở miền Nam.
Do vậy, ĐBSCL chưa được phép trồng đại trà giống lúa này. Nhưng hiện, tại Kiên Giang, nông dân tự phát gia tăng diện tích. Thống kê, tỉnh có 43.000ha trồng lúa Nhật, chủ yếu các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành. Việc sản xuất lúa Nhật chưa được ngành nông nghiệp tỉnh quy hoạch, nông dân tự phát sản xuất.
Anh Hữu, nông dân ấp Kiên Hảo, Mỹ Hiệp Sơn, Hòn Đất cho hay: “Trồng lúa Nhật cho sản lượng cao hơn lúa truyền thống. Hơn nữa tôi hợp đồng với công ty được bao tiêu sản phẩm giá thống nhất nên không lo đầu ra. Trong khi đó trồng lúa truyền thống không được bao tiêu, thu hoạch phải bán cho cò giá bấp bênh, thậm chí họ còn không mua”.
Theo nông dân khác ở Mỹ Thái, Hòn Đất chia sẻ, gia đình ông đã hợp đồng sản xuất 12ha lúa Nhật cho công ty đầu tư tiêu thụ sản phẩm với giá thống nhất 5.000đ/kg lúa tươi. Do đó không lo đầu ra, chỉ lo canh tác theo cam kết.
Dễ thiệt hại
Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, chỉ chừng 30.000ha lúa nhật được bao tiêu sản phẩm. Còn tới 13.000ha đang sản xuất do nông dân tự phát trồng, sau khi thu hoạch không biết đầu ra ra sao. Trong khi đó giống này tiêu thụ trong nước còn xa lạ người dùng.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho hay: “Những năm qua, nhiều DN xuất khẩu gạo trồng từ lúa Nhật nên người dân mua giống từ phía Bắc về trồng. Sở đã có văn bản đề nghị Cục trồng trọt và Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo xử lý trồng lúa Nhật tại địa bàn. Cục trồng trọt đã ghi nhận ý kiến và trình bộ NN&PTNT, Tỉnh chờ chỉ đạo phía Bộ”.
Nguyên nhân khiến diện tích trồng lúa Nhật tự phát tăng đáng báo động là do nhiều nông dân thấy giống này có sản lượng, hiệu quả hơn lúa truyền thống, nhiều DN ký hợp đồng bao tiêu nên không lo đầu ra.
Theo DN bao tiêu, trồng lúa phải có hợp đồng bao tiêu, ngoài hợp đồng không được thu mua. Ngay cả nông dân đã ký hợp đồng cũng căn cứ theo diện tích ký kết, vượt mức cũng không được thu mua.
Ông Bùi Hồng Thường, Phó Ban dân tộc HĐND tỉnh Kiên Giang đánh giá đây là dòng lúa mới nên kỹ thuật canh tác khó nắm bắt, sâu bệnh ngoài dự báo. Hơn nữa khu vực này là vùng lũ ngập sâu nên canh tác lúa truyền thống nông dân có thời gian tránh lũ, với lúa Nhật kéo dài nên có nguy cơ thiệt hại do thời tiết bất thường.
Trước mắt, tránh thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phải khuyến cáo người dân không nên trồng đại trà, chỉ trồng khi có hợp đồng bao tiêu với DN.