Những đặc sản vùng cao sống về Hà Nội đã khá quen thuộc. Nhưng nhiều người Hà Nội giờ đây còn ưa chuộng những món đặc sản chín được chính người bà con dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc tự tay chế biến. Do đó nhiều người Hà Nội đã đặt cỗ là những món mà người vùng cao vừa nấu nướng xong, đóng gói vào ô tô chuyển xuống còn nóng hổi, nguyên vẹn hương vị.
Nhận con cá nướng bọc bên ngoài là lớp giấy bạc từ shipper, chị Xuân (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) hí hửng chia sẻ với chúng tôi, cáu vừa đi mấy trăm cây xuống Hà Nội đó mà vẫn còn ấm, thơm phức, đó là món cá nướng trứ danh Pa Pình Tộp đó.
Vừa mở con cá vừa giải thích, thực ra đây cũng chỉ là cá rô, mức giá cũng chỉ tầm 130.000đ/con, chứ không cao sang gì cả. Điều đặc biệt khiến chị phải đặt bằng được từ Tây Bắc chuyển về là bởi vì bà con tự tay tẩm ướp gia vị đặc trưng của dân tộc mình và nướng bằng than củi nên thịt dai, ngọt, thơm và thớ cá săn chắc. Do đó để lại cho người thưởng thức một hương vị đặc trưng vô cùng riêng biệt khi ăn cá với món nước chấm gửi kèm của bà con dân tộc. Dù chị Xuân đã đi thưởng thức món cá này ở nhiều nhà hàng Tây Bắc tại Hà Nội nhưng không đủ hương vị như chị đặt từ vùng chính gốc xuất xứ của nó.
Đặc biệt trong bối cảnh thực phẩm bẩn ở thành phố như hiện nay, chị đã lựa chọn hầu hết thực phẩm, rau củ quá, thịt cá đều mua của bà con vùng Tây Bắc. Trước đây chị thường chọn thực phẩm gạo, rau, thịt cá, gà, lợn và nấm hương, măng, mọc nhĩ… nhưng giờ chị chọn đặt cả món do bà con đồng bào dân tộc chế biến.
Chị Phương ở Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là trường hợp tương tự, chị vừa đặt vịt quay 7 vị của vùng đất Cao Bằng. Vịt ở đây được nuôi dân dã nên thịt thơm ngon, cộng với 7 vị được tẩm ướp ngấm nên rất khác biệt. Con vịt quay có da vàng cánh gián óng mượt, miếng thịt mềm, ngọt vị mật ong cùng cây cay, thơm đậm của hàng loạt gia vị. Chỉ tưởng tượng đã thấy thơm ngon nên chị đặt nhưng chờ hai ngày họ mới chuyển xuống.
Ngoài món vịt, trong danh sách món ăn sẵn chị đặt có nhiều loại cá nướng, gà nướng, xôi thịt, cơm lam và còn có cả những món rau dân dã như đu đủ ướp hay củ cải muối cũng đặt từ Cao Bằng về.
Chị Phương cho biết chị đã từng nhiều lần đặt chân công tác lên Cao Bằng, học cách chế biến nhưng không thể có hương vị thơm ngon như vậy nên chị phải đặt về.
Nhiều khi có khách, trong mâm cơm nhà chị đa phần là món ăn Tây Bắc “hàng thửa”. Nhiều món còn đang ấm nóng. Chị cho hay, ngồi nhà mình thưởng thức những món dân dã này cũng cho mình cảm giác như đang đi du lịch Tây Bắc,ngồi nhà sàn, thưởng thức đặc sản dân tộc. Tuy nhiên, chỉ cá nướng, vịt quay, xôi thị nướng và đu dủ ướp thôi nhưng mâm cơm cũng ngót triệu bạc.
Anh Hùng, chủ cửa hàng đặc sản Tây Bắc tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, hôm nay cửa hàng anh có vịt quay 7 vị Cao Bằng, dù vịt “ngồi” xe ô tô 300km nhưng tới cửa hàng còn đang nóng hổi.
Anh cho biết do xu hướng của người dùng hiện đang rất ưa chuộng hướng vị núi rừng nên cửa hàng anh ngoài nhập những mặt hàng tươi sống còn nhập thực phẩm chế biến sẵn. Các món đặc trưng được bà con chế biến sẵn đóng gói đầy đủ cả gia vị nước chấm và cho thùng xốp chuyển về cửa hàng Hà Nội cho những khách đặt trước. Giá cũng đa dạng, vịt quay có giá 300.000đ/con, đu đủ ướp chua ngọt giá cũng 60.000đ/kg, xôi nếp thịt nướng giá 150.000đ/suất và 10.000đ/ống cơm lam…
Anh Hùng chỉ đặt những món chế biến sẵn theo đơn vì cần phải ăn ngay để đảm bảo hương vị. Và các món cũng phải chia theo từng ngày nhận chứ không thể nhận ồ ạt không đảm bảo công đoạn ship, không còn thơm ngon. Do vậy, cửa hàng anh các món về theo ngày như vịt quay, cá nướng, cơm, xôi…