Đó là ngôi chợ đặc trưng trong số hàng tram ngôi chợ lớn nhỏ tại Sài Thành, nơi người mua có thể thích thú với những món đồ của người khác dùng rồi có niên đại rất lâu đời.
Kit thử nhanh an toàn thực phẩm
Khoảng những năm 2009, ngôi chợ độc đáo này ra đời, chỉ họp mỗi sáng chủ nhật hàng tuần. Ở đó, có đầy đủ những món đồ từ cổ chí kim, từ chiếc đèn dầu, bàn là con gà huyền thoại, xe máy Mobilet, ống nhòm của cướp biển… đều xuất hiện. Đặc biệt, tại ngôi chợ này, không có sự gian manh, những ai bán hàng giả, hàng nhái sẽ lập tức bị tẩy chay.
“Cũ người… mới ta”
Đó là một quán cafe trong hẻm nhỏ trên đường Nơ Trang Long (P.13, Q. Bình Thạnh, TPHCM) rộng rãi, râm mát. Mỗi sáng chủ nhật, nơi đây như bừng lên sự nhộp nhịp bởi những tiếng ồn ã, sôi động với la liệt những mặt hàng đồ cũ.
Dạo một vòng chợ là vô số những ông chủ tiệm đồ cổ, họ là những người xởi lởi, phong trần với trên người đeo vô số những món đồ độc, lạ. Họ luôn thân thiện, cởi mở giảng giải kỹ các món hàng cổ khi khách tìm hiểu.
Một người có quầy “ve chai” đầu tiên tại chợ chia sẻ, hồi đầu đây chỉ là quán cafe, nơi anh em gặp gỡ, giao lưu những món đồ độc, lạ. Dần dà, mọi người đến và mang theo thứ mình “chán”, bán cho người thích. Tuy nhiên bán chỉ là mục đích phụ mà chủ yếu là khoe hàng.
Ấn tượng với chúng tôi là một người đàn ông phong trần với chiếc xe cổ Vespa ACMA (Pháp) với tiếng máy nổ phành phạch nghe chát chúa. Dòng xe này chỉ có lớp quý tộc thượng lưu mới có thể sở hữu. Khi ông này xuất hiện với chiếc xe, vô số người ngoái nhìn thích thú. Ông cũng phải mất một khoảng thời gian mới có thể tắt máy cho chiếc xe đó. Ông dắt xe đến vị trí trung tâm chợ với giá chào bán 30 triệu đồng.
Ngoài ra ra còn vô số quầy xe cổ Vespa, Lambretta… rồi xe Mercedes với mức giá 19.000 đô.
Một chủ hàng tên Dũng là người đang sở hữu Vespa Ý RuMi trị giá chừng 10.000 đô bởi đây là chiếc duy nhất còn lại tại Việt Nam và là 20 chiếc trên thế giới.
Tìm hàng độc
Một cán bộ bảo tàng vì đam mê đồ cổ nên cũng tới đây tìm hàng độc. Chợ đầy đủ các thành phần đại gia, thương nhân, dân chơi đồ cổ, xe ôm, học sinh, sinh viên… Giá hàng ở chợ cũng thượng vàng hạ cám từ vài trăm nghìn đến vài chục nghìn đô. Đơn cử như có chiếc đồng hồ 100.000đồng/chiếc nhưng có loại có giá tới 20 triệu; 800 đô hoặc lên tới 2.000 đô.
Chúng tôi ngỏ ý ở chợ này có hàng giả không thì chủ quán cafe cho hay: “Tuyệt đối không có hàng giả, chỉ là hàng bình dân. Nếu hàng giả mà dám nói xịn sẽ bị tẩy chay tức thì”.
Một người bán hàng với vô số các mặt hàng đồng hồ, nhẫn, kính, máy ảnh, tiền cổ… chia sẻ: “Đồ của tôi đều đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc; được lựa chọn kỹ rồi mới mang ra bán để đảm bảo uy tín. Người mua có thể thỏa sức đổi trả nếu không ưng”.
Nối rồi ông quay qua vị khách đang ướm chiếc nhẫn, ông giải thích: “Đó là hàng gốc Mỹ, giá 1.8 triệu, bạc nguyên khối, không thể tìm thấy chiếc thứ hai”.
Một góc khác khu chợ, một vị khách trẻ đang tìm kiếm chiếc máy ảnh hiệu monitor, chủ hàng đon đả giải thích: “Máy này anh mua lại từ hàng phế liệu 200 nghìn, em mua thì anh để rẻ cho”. Vị khách băn khoăn cách sử dụng, anh bán hàng cởi mởi, Xài lên hay không “hên xui” nhé, nhưng trưng thì hàng độc.
Tạo chợ đồ cũ này, hàng hóa vô vàn, giá thành cũng mênh mang, quan trọng là hợp người thích bởi đồ cổ khó định giá trị thực, trừ người sành sỏi.