Để làm ra những hạt muối trắng tinh khiết ấy, diêm dân phải đổ mồ hôi; sôi nước mắt; phơi mặt ra nắng hè gay gắt. Tận mắt chứng kiến những diêm dân vùng Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định mới thấu những nhọc nhằn, vất vả đó.
Khi mặt trời đang lấp ló, diêm dân đã có mặt trên khắp đồng muối. Giá bán không cao lại phục thuộc nắng mưa nhưng diêm dân vẫn bám nghề.
Vùng quê chỉ thích… nắng
Cánh đồng muối Hải Lý những ngày nắng nóng như đổi lửa đầu tháng 6. Cái nắng, cái gió biển gắt gao, bãi cát khô cháy bỏng rát chân người khiến khuôn mặt ai cũng phờ phạc, mệt mỏi dù đang thu hoạch muối.
16h, cái nắng vẫn tạt vào xém mặt, chúng tôi theo chân chị Hà, một diêm dân ra đồng để cùng làm công việc đầy nhọc nhằn, vất vả này. Chỉ có trang gạt, xẻng và xe cút kít để chở muối.
Chị Hà thoăn thoắt dùng chang gạt muối thành đống cho ráo nước. Chị chia sẻ: làm muối vất vả lắm, chắc chẳng có nghề nào tốn sức mà thu nhập ít như nghề muối. Nhưng không làm muối chúng tôi cũng chẳng biết làm gì.
Hỏi về giá thành mỗi cân muối, chị lắc đầu ngao ngán. Chúng tôi ở đây bán theo phương (mỗi phương là 20kg muối). Hôm nào được giá thì 20 nghìn đồng 1 phương, hôm nào bèo thì chỉ được 17-18 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày chỉ thu hoạch được 10 phương, tính ra chưa được 200 nghìn đồng.
Vừa gạt muối, vừa lau mồ hôi, chị Hà chia sẻ, để làm ra hạt muối tốn không ít công đoạn. Đầu tiên ngâm cát vào nước biển rồi đem phơi trên sân để chúng khô và kết thành hạt muối nhỏ. Dùng nước biển lọc cát được độ mặn hơn rồi phơi tiếp và lọc được độ 3. Chứng 10 giờ nước biển sẽ bốc hơi còn lại muối trên mặt sân bê tông. Người dân thu hoạch và chở về kho chứa, chờ bán. Nếu bắt đầu làm thì phải 3 ngày mới có muối và từ đó thì ngày nào cũng có muối do trữ nước độ mặn 2, 3 có thể làm gối đầu.
Theo chị, nghề muối phụ thuộc hoàn toàn vài thời tiết, trời càng nắng to, sản lượng muối thu hoạch càng cao, trời nắng nhẹ, âm u thì người dân nghỉ vì không làm được muối.
“Nghề khác tôi không biết nhưng với nghề muối chúng tôi chỉ thích trời nắng thật to, càng to càng được nhiều muối. Nhiều thời điểm trời mưa cả tuần, chỉ biết ngồi chơi, chẳng biết làm gì kiếm sống”, chị Hà chia sẻ.
Hạt muối chẳng nuôi nổi diêm dân
Nhìn sang kế bên, hai vợ chồng nhà ông Thiệu cũng đang chạy đua với nắng để thu hoạch muối. Nhà có 2 sào muối, mỗi ngày gia đình ông chỉ thu được 200 nghìn đồng, số tiền chẳng đủ sống, suốt ngày “cày cuốc” ngoài ruộng muối nhưng cũng chả dư giả được đồng nào. Ông sức khỏe yếu nên không ra khơi đánh cá được nên ở nhà làm muối. Ngoài cánh đồng muối chỉ nhìn thấy người già, phụ nữ và trẻ em gồng gánh, xúc, cào trên ruộng muối. Thanh niên trai tráng thì đi biển.
Ông Thiệu chia sẻ: “Đi biển tuy vất nhưng thu nhập cao hơn, chừng 5-6 triệu đồng/tháng. Còn làm muối vất vả nhưng thu nhập thấp. Do đó chỉ những người sức khỏe yếu mới gắn bó với nghề này”.
Ông ngao ngán tâm sự: Hạt muối chẳng nuôi nổi chúng tôi. Làm từ sáng tới tối mỗi ngày cũng chỉ được 200 nghìn đồng. Số tiền quá nhỏ so với sức lao động bỏ ra. Thôi thì lấy công làm lãi. Biết vậy nhưng gia đình ông và nhiều diêm dân khác vẫn chấp nhận “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm tiền cho con ăn học và để nuôi những miệng ăn trong nhà đang trông chờ.
Năm nay thời tiết thất thường, mưa nhiều hơn nắng nên diêm dân chơi nhiều hơn làm. Những ngày ở nhà, gia đình ông thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì chẳng có tiền. Không có nắng là không có tiền. Khuôn mặt luôn hiện hữu nỗi lo thiếu đói và nguy cơ bỏ nghề vì cực nhọc.
Nghề muối cơ cực, phụ thuộc thời tiết, giá cả bấp bênh nên người dân chẳng thoát đưojc cái nghè, cái khổ, chưa bao giờ thấy ai giàu lên từ muối.
Nghề muối ở Hải Lý mỗi năm chỉ được chừng 5 tháng nắng, giá cả bấp bênh khiến cuộc sống của diêm dân cũng lao đao.
Rời khỏi cánh đồng muối, những tia nắng vàng vọt lụi tàn thì mồ hôi diêm dân cẫn lan trên gò má gầy gò đen sạm. Những bàn chân gân guốc lũi thủi thồ muối về nhà. Khôgn biết bao giờ cuộc đời họ mới sáng được như những hạt muối kia.