Giá lợn hơi hiện nay biến đổi như một ẩn số, đang ở ngưỡng tột cùng 18 đến 20 ngàn đồng/kg, vọt lên 40 đến 45 ngàn đồng/kg rồi lại quay ngoắt về mốc 30-32 ngàn đồng/kg. Theo nhận định của những người chăn nuôi lâu năm, giá lợn trong nước đang có sự can thiệp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI).
Giá áo, diễn biến khó lường
Ông Chương, một chủ trang trại lợn ở Yên Tân (Nam Định) cho hay, giá lợn hơi thị trường đang hết sức phức tạp khó lường trong khoảng một tháng gần đây. Từ đầu năm đến tháng 7 vừa qua, người chăn nuôi lợn “chết như ngả rạ” do giá lợn xuống thấp, chỉ 18 đến 19 ngàn đồng/kg. Đột nhiên, giữa tháng 7, giá lợn vọt lên gấp đôi, hơn 40 ngàn đồng/kg trong thời gian 1 tuần.
“Giá lợn lên đến chóng mặt, không hiểu chuyện gì xảy ra, như ai đó đang điều khiển. Thời điểm giá 42 đến 43 ngàn đồng, hầu như còn rất ít nhà cầm cự được mới có lợn bán. Còn trước đó bán tống, bán tháo hết rồi. Giờ thì giá tụt chỉ còn 30 đến 31 ngàn đồng/kg”, ông Chương chia sẻ. Ông cũng cho hay, khủng hoảng đầu năm khiến nhiều trang trại rơi vào cảnh cùng quẫn. Nhiều chủ đại lý thức ăn chăn nuôi thuê cả xã hội đen đòi nợ. Xã Tân Yên có 5 đến 6 thôn nuôi thì giờ chỉ còn 20 đến 30% so với đầu năm.
Cho rằng giá lợn hơi đang bị làm giá ảo, bất thường, Ông Gia, chủ trang trại ở Thị trấn Văn Giang (Hưng Yên) chia sẻ: Gần 1 tháng trước, mỗi ngày lợn lên 1 đến 2 giá, thậm chí 3 đến 5 giá, cao nhất lên 42 đến 44 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, ông Gia cho rằng, giá lợn tăng đột biến là do phía Trung Quốc tiến hành “mở” biên. Hơn thế, giá lợn hơi phụ thuộc DN FDI…
Cùng với đó, một chủ trang trại hàng nghìn con lợn ở Thanh Oai, Hà Nội lý giải, Trung Quốc sau khi “mở” biên nhập lợn số lượng lớn mấy ngày liền thì nguồn lợn xuất cạn dần nên đẩy giá lên. Nhiều trang trại cho rằng giá tiếp tục tăng nên “găm” hàng, đẩy giá khan ảo. Ít nhiều giá lợn cũng bị tác động bởi DN FDI, bởi ai cũng muốn thâu tóm, chủ trang trại này lý giải.
Ông Dũng, chủ doanh nghiệp tại Hà Nam cho rằng: “Việc tăng giá lợn bất thường vừa qua ẩn chứa yếu tố không bình thường”. Theo ông, giá lợn hiện 30 đến 32 ngàn đồng/kg khó giảm sâu hơn nữa vì áp lực hàng tồn không còn.
Chiêu trò trong cạnh tranh?
Từ góc nhìn của một người có nhiều năm trong ngành nuôi lợn, ông Bình, Đồng Nai cho rằng: “Nhiều người cố tình nói tránh nhưng rõ ràng đó là chiêu trò của công ty lớn FDI, làm nhiễu thị trường và người dân trở thành nạn nhân”. Theo ông Bình, giá heo thịt là vấn đề nhỏ, quan trọng DN lớn bán heo giống. “Thời điểm giá heo dưới đấy thì heo giống ế tràn lan, chỉ 2 đến 3 triệu đồng/con, nay tăng 5 đến 6 triệu đồng/con. Đó là chiêu trò”, ông Bình chia sẻ.
Ông Bình cho hay, trong kinh doanh, DN FDI khai thật với cấp quản lý về số con giống, số giống… thật khó, đó là bí mật kinh doanh. Tuy nhiên phải kiểm soát dựa vào giấy phép đầu tư.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, đợt tăng giá vừa rồi có yếu tốt bất thường, có ngày giá lợn “nhảy” 5 đến 6 ngàn đồng/kg. Ông Vân cho hay, một số hộ thấy giá cao nên găm hàng. “Thậm chí thương lái xếp hàng mua họ không bán, trong khi lợn trong dân còn nhiều. Người nuôi và thương lái cứ chạy xuôi, chạy ngược không biết thực hư, tạo nên khan ảo”, ông Vân chia sẻ.
Liên quan đến hiện tượng DN FDI kiểm soát, ông Vân cho rằng tùy chiến lược kinh doanh của các đơn vị, tuy nhiên nói thoa túng thì không phải.
Theo Cục trưởng Chăn nuôi, qua cơn khủng hoảng, các DN FDI cũng muốn ổn định để kinh doanh. Lãnh đạo khuyến các các hộ chăn nuôi đến giai đoạn xuất chuống thì bán chứ không nên găm hàng.